Linezolid là kháng sinh tổng hợp thuộc nhóm oxazolidinon, có hoạt tính chủ yếu trên vi khuẩn Gram dương. Linezolid có cơ chế tác dụng khác biệt, ít kháng chéo với các kháng sinh khác, sinh khả dụng đường uống xấp xỉ 100%, thâm nhập tốt vào các mô và không phải hiệu chỉnh liều trên bệnh nhân suy gan và suy thận.
Biến cố bất lợi thường gặp khi sử dụng thuốc bao gồm tiêu chảy (8,9%), buồn nôn (6,9%), nôn (4,3%) và đau đầu (4,2%), với tỷ lệ bệnh nhân phải ngừng điều trị do tác dụng không mong muốn là 3%.
Nhiễm toan lactic là tác dụng không mong muốn hiếm gặp nhưng nghiêm trọng của linezolid, có thể dẫn đến tử vong nếu bệnh nhân không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Các triệu chứng lâm sàng của nhiễm toan lactic do linezolid thường không đặc hiệu, như rối loạn tiêu hóa, thay đổi trạng thái tâm thần, khó thở. Trong trường hợp nghiêm trọng có thể suy tuần hoàn, đáp ứng kém với catecholamin, cơ tim giảm co bóp dẫn đến tử vong.
Cơ chế gây nhiễm toan lactic
Nhiễm toan lactic được định nghĩa khi nồng độ lactat huyết thanh cao hơn 4 mmol/L (ngưỡng bình thường 0,5 – 1,5 mmol/L).
Cơ chế tác dụng của linezolid là ức chế tổng hợp protein của vi khuẩn thông qua việc gắn vào tiểu đơn vị 50S của ribosom, từ đó ức chế sự hình thành phức hợp khởi đầu của quá trình dịch mã. Đồng thời linezolid liên kết với ribosom tế bào của người, ức chế các phức hợp chuỗi hô hấp ty thể, dẫn đến tình trạng thiếu oxy mô cục bộ.
Yếu tố nguy cơ
- Thời gian sử dụng linezolid là một yếu tố nguy cơ đã được ghi nhận trong nhiều nghiên cứu. Nguy cơ tăng lên khi thời gian sử dụng linezolid > 4 tuần, tuy nhiên thời gian khởi phát có thể ngắn hơn (trong vòng 7 ngày đầu dùng thuốc) trên những bệnh nhân có suy giảm miễn dịch và có bệnh mắc kèm.
- Người cao tuổi có nguy cơ cao hơn và thời gian khởi phát biến cố sớm hơn, có thể do tình trạng lâm sàng nặng hơn và mắc nhiều bệnh lý nền.
- Bệnh nhân suy giảm chức năng thận.
- Bệnh nhân suy giảm chức năng gan: Linezolid chủ yếu được chuyển hóa qua gan, do vậy bệnh nhân suy giảm chức năng gan có nguy cơ gặp độc tính cao hơn. Một số nghiên cứu chỉ ra nồng độ linezolid trong máu trên bệnh nhân suy gan cao hơn 4-6 lần.
- Điểm SOFA cao, nồng độ glucose máu > 8 mmol/L, đang sử dụng thuốc ức chế bơm proton (PPI), amiodaron, amlodipin.
Theo dõi và xử trí
- Không có xét nghiệm chẩn đoán đặc hiệu nhiễm toan lactic do linezolid, tuy nhiên nồng độ lactic máu có thể định hướng chẩn đoán sau khi đã loại trừ các nguyên nhân bệnh lý.
- Biện pháp xử trí đầu tiên là ngừng sử dụng linezolid. Hầu hết các trường hợp hồi phục trong vòng 1-15 ngày sau khi ngừng thuốc.
- Ở những bệnh nhân nặng, tiên lượng tử vong cao, có thể cân nhắc truyền bicarbonat để cân bằng pH nội bào. Ngoài ra, liệu pháp thay thế thận có thể cải thiện tình trạng nhiễm toan lactic thông qua thải trừ linezolid tích lũy.
Kết luận
Nhiễm toan lactic máu là tác dụng không mong muốn hiếm gặp nhưng nghiêm trọng của linezolid, có thể dẫn đến tử vong. Bệnh nhân có triệu chứng và dấu hiệu của nhiễm toan lactic bao gồm buồn nôn, nôn, đau bụng, tăng thông khí cần được hỗ trợ y tế kịp thời.
Trong trường hợp có nhiễm toan lactic liên quan đến linezolid, cân nhắc kỹ nguy cơ – lợi ích của việc tiếp tục điều trị và khả năng thay thế linezolid bằng kháng sinh khác đáp ứng yêu cầu điều trị.
Tài liệu tham khảo
- The Electronic Medicines Compendium (2017) Zyvox 2 mg/ml Solution for Infusion. https://www.medicines.org.uk/emc/product/2931.
- Santini A, Ronchi D, Garbellini M, Piga D, Protti A (2017) Linezolid-induced lactic acidosis: the thin line between bacterial and mitochondrial ribosomes. Expert Opin Drug Saf 16:833–843.
- Im JH, Baek JH, Kwon HY, Lee JS (2015) Incidence and risk factors of linezolid-induced lactic acidosis. Int J Infect Dis 31:47–52.
- Causes of lactic acidosis – UpToDate. https://www.uptodate.com/contents/causes-of-lactic.
- Kraut JA, Madias NE (2014) Lactic Acidosis. New England Journal of Medicine 371:2309–2319.
Người thực hiện: DS. Nguyễn Thị Tú Uyên, Khoa Dược-Bệnh viện Đa khoa Bưu Điện