PHÒNG NGỪA VIÊM ÂM ĐẠO Ở PHỤ NỮ CÓ KHÓ KHÔNG?

Hiện nay, viêm âm đạo có thể gây ra nhiều triệu chứng làm ảnh hưởng đời sống sinh hoạt hàng ngày như ngứa rát, khó chịu, vùng kín có mùi hôi bởi dịch tiết… khiến chị em phụ nữ kém hấp dẫn, không tự tin và gây những biến chứng nguy hại tới sức khỏe hàng ngày và sức khỏe sinh sản. Một số trường hợp không điều trị kịp thời, dứt điểm khiến bệnh diễn tiến dai dẳng có những biến chứng như: viêm cổ tử cung, viêm vòi trứng,viêm vùng chậu, vô sinh…

Do đặc điểm giải phẫu sinh lý của bộ phận sinh dục ở nữ nên rất dễ bị viêm nhiễm

Hình ảnh cấu tạo giải phẫu của âm đạo

Âm đạo: Là một cơ vòng hình ống có tính đàn hồi với chiều dài khoảng 10cm, đường kính 2cm, phần ngoài tạo thành âm hộ phần trong tiếp giáp với tử cung âm đạo trực tiếp thông ra ngoài.

  • Phía trên trước có niệu đạo, do giải phẫu rất ngắn nên rất dễ bị vi khuẩn bên ngoài xâm
  • nhập, nước tiểu cũng có thể gây lây nhiễm bệnh cho âm đạo.
  • Phía dưới âm đạo có hậu môn rất gần nhau, nên âm đạo rất dễ bị lây nhiễm bởi phân.
  • Viêm nhiễm do chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng vừa dịch máu môi trường rất thuận lợi cho vi sinh vật phát triển và tình trạng dị ứng của băng vệ sinh.

DẤU HIỆU VIÊM NHIỄM ÂM ĐẠO

Dịch tiết âm đạo bình thường, lượng dịch tiết ra cũng khác nhau ở từng thời điểm. Có khi nó chỉ là một lượng nhỏ rất loãng hoặc đặc, có lúc tiết nhiều ở những ngày rụng trứng viêm nhiễm khi âm đạo của bạn có các dấu hiệu như: 

  •  Tiết dịch âm đạo bất thường cùng với thay đổi màu sắc, dịch màu vàng hoặc trắng đục, có mùi hôi, ra rất nhiều
  •  Ngứa hoặc kích ứng âm đạo
  •  Đau khi giao hợp
  •  Đi tiểu buốt rát
  •  Chảy máu âm đạo nhẹ
  • Biểu hiện đau vùng chậu, sốt ớn lạnh… ở những bạn đã và đang quan hệ tình dục không an toàn với nhiều người, quan hệ bằng đường miệng hoặc hậu môn… không có biện pháp bảo vệ, với những dấu hiệu trên cho thấy bạn có khả năng bị viêm âm đạo
  • Bạn hãy đi khám bác sĩ ngay nếu xuất hiện những triệu chứng trên và đối với những bạn đã có tiền sử viêm nhiễm phụ khoa hoặc sau một đợt điều trị viêm âm đạo bằng thuốc chống nấm men không kê đơn, nhưng các triệu chứng viêm không hết hẳn.

NGUYÊN NHÂN GÂY RA TÌNH TRẠNG ÂM ĐẠO BỊ VIÊM NHIỄM

Một số nguyên nhân gây viêm nhiễm âm đạo có thể bao gồm:

    Viêm âm đạo do nấm men (Candida)

   Nhiễm trùng âm đạo do nấm men là bệnh lý gây ra bởi một loài nấm có tên candida. Không chỉ có môi trường âm đạo, candida còn sống trong miệng và đường tiêu hóa của cả nam và nữ. Việc nấm men thường hiện diện trong môi trường âm đạo, những      bệnh nhân sau một đợt điều trị nhiễm khuẩn đường tiết niệu bằng kháng sinh thủ phạm tiêu diệt các vi khuẩn “thân thiện” ở âm đạo, có nhiệm vụ giữ cho nấm men ở trạng thái cân bằng hay mang thai, đang dùng thuốc ngừa thai… làm thay đổi nồng độ hormone ở những bệnh nhân đái tháo đường.

    Viêm âm đạo do vi khuẩn

Phổ biến nhất ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Đây là căn bệnh gây ra bởi sự kết hợp của một số vi khuẩn thường sống trong âm đạo. Tương tự như nấm candida, những vi khuẩn này phát triển quá mức, làm cho sự cân bằng pH âm đạo bị rối loạn và khiến âm đạo viêm nhiễm.

    Trichomonas

Do một sinh vật đơn bào có tên Trichomonas vaginalis gây ra tiết dịch màu vàng xanh có bọt và có mùi hôi, ngứa, đau âm đạo và âm hộ, nóng rát khi đi tiểu, có cảm giác khó chịu ở bụng dưới và đau khi giao hợp. Các triệu chứng này thường nặng hơn sau kỳ kinh nguyệt. Trichomonas dễ dàng lây lan qua đường tình dục. Để điều trị đạt hiệu quả cao, cả bệnh nhân và bạn tình cần phải được chữa trị cùng một lúc, phải kiêng quan hệ tình dục tuyệt đối trong vòng 7 ngày sau khi khỏi bệnh.

    Chlamydia

 Bệnh lây truyền qua đường tình dục thường gặp nhất ở phụ nữ trẻ (18 đến 35 tuổi) hầu hết khi nhiễm Chamydia đều không có triệu chứng, nên việc chuẩn đoán gặp rất nhiều khó khăn. Một số người thấy dịch âm đạo tiết ra bất thường, bị chảy máu nhẹ, đạu ở vùng bụng dưới và vùng chậu. Phải điều trị bằng thuốc kháng sinh, nhưng tốt nhất vẫn nên phòng ngừa bệnh bằng cách duy trì đời sống tình dục lành mạnh (có một bạn tình, sử dụng dụng cụ bao cao su bảo vệ khi giao hợp…) điều trị cả bạn tình.

   Viêm âm đạo do virus

Thường gặp nhất là herpes simplex (HSV) nguyên nhân phổ biến gây ra bệnh viêm âm đạo có khả năng lây lan qua đường tình dục với triệu chứng đau kèm theo các vết loét ở khu vực âm đạo. Có những vết loét nằm bên trong âm đạo, chỉ có thể nhìn thấy khi khám phụ khoa, có khi ở miệng – họng nếu người bệnh quan hệ tình dục bằng miệng.

  Virus gây u nhú ở người (Human papillomavirus – HPV)

 Loại virus này gây nên những nốt mụn cóc ở âm đạo, trực tràng, âm hộ hoặc bẹn, khiến bệnh nhân vô cùng đau đớn. Chúng thường có màu từ trắng đến xám, đôi khi chuyển sang hồng hoặc tím. Virus HPV là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra căn bệnh phụ khoa cực kỳ nguy hiểm là Ung thư cổ tử cung.Để tầm soát và chuẩn đoán ung thư cổ tử cung do virus HPV chỉ được phát hiện khi thực hiện xét nghiệm Pap’s và HPV.

   Bệnh lậu

Thường gây viêm âm hộ âm đạo, cổ tử cung, vòi trứng, khí hư có mủ xanh, vàng có tiểu buốt rát, tiểu ra mủ, gây viêm tiểu khung, vô sinh, chửa ngoài tử cung, sẩy thai, nhiễm khuẩn, đẻ non, lậu mắt sơ sinh…

Giang mai

Do xoắn khuẩn có nhiều trong các thương tổn ( săng, mảng niêm mạc, hạch…) tổn thương săng, vết loét tròn không đau, không ngứa kèm theo hạch bẹn hoặc săng ở cổ tử cung, âm đạo, ở âm hộ có thể lây sang con qua nhau thai, ban đỏ, chồi sùi dính thành từng đám , bờ cứng, xuất tiết và hoại tử ở da toàn cơ thể…)

Vì vậy rất dễ lây lan nếu quan hệ tình dục không an toàn với người bệnh, thời kỳ ủ bệnh tương đối lâu từ 10-90 ngày, trung bình là 3 tuần, lây mạnh nhất khi các thương tổn da và niêm mạc chứa nhiều xoắn khuẩn giang mai. Cần điều trị sớm khi phát hiện triệu chứng, điều trị đủ liều, đúng phác đồ, đúng thời gian qui định

 Viêm âm đạo không lây

Phụ nữ có thể âm đạo tiết dịch nhiều, nhầy, có màu từ vàng đến xanh bị ngứa, rát, nhưng khi thăm khám thì không phát hiện viêm nhiễm vùng kín.Nguyên nhân trên có thể do cơ thể người bệnh phản ứng, dị ứng hoặc kích ứng bởi thuốc xịt, dung dịch thụt rửa âm đạo hoặc tampon, cốc nguyệt san, sản phẩm diệt tinh trùng, kem bôi trơn… Vùng da xung quanh âm đạo cũng có thể nhạy cảm với xà phòng thơm, kem dưỡng da, bột giặt, nước xả vải…việc sử dụng các sản phẩm khử mùi, các loại kem bôi ngoài da có chứa corticoid trong thời gian dài cũng khiến tình trạng âm đạo bị viêm. Bệnh gặp nhiều nhất ở phụ nữ tuổi mãn kinh.

 Viêm teo âm đạo

Biểu hiện âm đạo trở nên khô hoặc teo sẽ cảm thấy đau (nhất là khi quan hệ tình dục), ngứa và nóng rát âm đạo, đôi lúc tiểu gắt .Gặp thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh, đây là một dạng viêm không lây nhiễm do giảm nội tiết tố, hay gặp những bệnh nhân phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng, đang cho con bú và sau khi sinh, các loại thuốc như chất ức chế aromatase (sử dụng trong điều trị ung thư vú) hoặc Lupron Depot® (sử dụng trong điều trị lạc nội mạc tử cung) cũng là tác nhân làm sụt giảm đáng kể mức estrogen, gây ra tình trạng teo âm đạo/âm hộ. Bệnh có thể điều trị bằng các loại thuốc nội tiết uống hoặc đặt âm đạo.

BÍ QUYẾT PHÒNG NGỪA VIÊM ÂM ĐẠO ĐƠN GIẢN NHƯNG HIỆU QUẢ 

  • Để phòng ngừa viêm âm đạo, chị em cần lưu ý những thói quen sinh hoạt, vệ sinh vùng kín đúng cách, đây là thói quen quan trọng để ngăn ngừa viêm nhiễm cũng như giúp chị em có sự tự tin trong đời sống tình dục.
  • Sử dụng nước ấm sạch để rửa vùng kín, sau đó lau bằng khăn mềm từ 2 – 3 lần mỗi ngày. Nên lựa chọn quần nhỏ bằng cotton có khả năng thấm hút mồ hôi tốt tránh các loại quần lót ôm sát hoặc quá bí bách ẩm ướt, nên dùng nguồn nước sạch, giặt sạch sẽ quần áo phơi dưới ánh nắng mặt trời để loại bỏ sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh..
  • Không nên dùng thuốc xịt âm đạo, nước hoa, hóa dược hoặc xà phòng thụt rửa sâu trong âm đạo. Điều này không giúp làm sạch mà làm mất cân bằng môi trường trong âm đạo dẫn đến viêm nhiễm.
  • Chọn dung dịch vệ sinh có độ pH phù hợp và lành tính, tránh sản phẩm có mùi thơm hoặc hóa chất độc hại.
  • Khi đi vệ sinh, để ngăn ngừa vi khuẩn xâm nhập âm đạo, chú ý rửa hoặc lau từ chiều trước ra sau.
  • Trong chu kỳ kinh nguyệt, sử dụng băng vệ sinh kéo dài không chỉ tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi, gây nhiễm khuẩn và mùi khó chịu. Do đó, cần thay băng vệ sinh 3- 4 giờ/lần, trước khi thay cần vệ sinh vùng kín sạch sẽ và lau khô
  • Thực hiện quan hệ tình dục an toàn sử dụng bao cao su có thể giúp ngăn ngừa lây nhiễm bệnh
  • Trong thời gian mang thai hoặc hậu sản, cần vệ sinh và chăm sóc vùng kín theo hướng dẫn của bác sĩ. Có thể sử dụng các dung dịch vệ sinh vùng kín chuyên dụng để làm sạch tốt hơn trong thời kỳ này, cũng giúp chị em phụ nữ hồi phục sức khỏe tốt hơn.
  • Tiền mãn kinh hoặc mãn kinh, cắt bỏ buồng trứng hoặc mức độ estrogen thấp vì bất kỳ lý do gì hãy gặp bác sĩ sản phụ khoa để được tư vấn về lợi ích của việc sử dụng thuốc hoặc kem hay gel bôi hổ trợ giúp cho âm đạo giảm khô teo và được khỏe mạnh
  • Hằng năm chị em phụ nữ nên đi khám phụ khoa định kỳ  để sàng lọc tầm soát ung thư cổ tử cung,kiểm tra sức khỏe vùng kín cũng như thay đổi nếu đang có thói quen không tốt. Đặc biệt khi vùng kín bị ngứa rát, ra khí hư bất thường, có mùi hôi… thì cần đến gặp bác sĩ ngay để được điều trị sớm. Đi khám phụ khoa định kỳ giúp phát hiện sớm và điều trị viêm âm đạo kịp thời không nên có tâm lý tự ti, ngại đi khám bệnh khiến viêm âm đạo kéo dài nghiêm trọng, khó điều trị hơn.
  • Chế độ dinh dưỡng phù hợp
  • Thay đổi chế độ ăn uống nên ăn nhiều trứng gà, thịt, đậu nành, vừng, các loại hạt, cần tây các loại rau xanh, các thực phẩm chứa nhiều vitamime E, sữa chua và men vi sinh là sản phẩm dinh dưỡng được đánh giá rất tốt với chị em phụ nữ, không những giúp làm đẹp da mà còn bổ sung nhiều lợi khuẩn. Trong đó có lợi khuẩn Lactobacillus có khả năng ngăn ngừa nấm Candida phát triển, giúp cân bằng độ pH âm đạo và bảo vệ ngăn ngừa viêm âm đạo.

Như vậy, bí quyết phòng ngừa viêm âm đạo không quá khó và phức tạp chỉ cần chị em phụ nữ thay đổi thói quen sinh hoạt, luôn giữ vệ sinh vùng kín đúng cách, có lối sống lành mạnh, có chế độ ăn uống thích hợp và thực hiện tốt việc khám phụ khoa định kỳ tầm soát bệnh lý để có vùng kín luôn khỏe mạnh.

BS CKI. Nguyễn Thị Xuân Thu – Bệnh viện đa khoa Bưu điện

Tài liệu tham khảo

1.       Bộ y tế-cục y tế dự phòng. Nhóm bệnh lây truyền qua đường tình dục nhóm trong

luật phòng chống bệnh truyền nhiễm

2.       Hệ sinh dục nữ -Giải phẫu người tập 1-Trường đại học y Hà nội

3.       Bài giảng sinh lý phụ khoa – sách bài giảng sản phụ khoa-Trường đại học y Hà Nội

4.    CDC Hoa kỳ: Bacterial Vaginosis-CDC Basic Fact Sheet, link: https://www.cdc.gov/std/bv/stdfact-bacterial-vaginosis.htm

5. Cleveland Clinic: Vaginitis, link: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/9131-vaginitis

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *