Tình hình Bệnh viêm gan siêu vi B:
– Bệnh viêm gan siêu vi B là nguyên nhân gây ra cái chết của gần 1 triệu người mỗi năm do các biến chứng như xơ gan và ung thư gan. Với tỷ lệ gây ra 60-80% các trường hợp ung thư gan nguyên phát và 50% trường hợp xơ gan, HBV được xếp là yếu tố gây ung thư đứng thứ hai sau thuốc lá. Điều này cho thấy, viêm gan B vẫn là một mối đe dọa lớn đến tính mạng con người.
– Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ước tính có khoảng 400 triệu người trên toàn cầu đang sống chung với căn bệnh này, trong đó phần lớn là người châu Á (75%). Tại Việt Nam, tỷ lệ người nhiễm virus viêm gan B (HBV) thuộc hàng cao nhất thế giới với khoảng 15-20% dân số, tương đương với 10-14 triệu người mắc cả viêm gan B cấp tính và mạn tính.
Do đó việc thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán viêm gan siêu vi B rất quan trọng trong việc phát hiện sớm căn bệnh này và đảm bảo điều trị kịp thời.
Viêm gan siêu vi B được chia thành hai thể:
– Viêm gan siêu vi B cấp: Trong vòng 6 tháng kể từ khi phơi nhiễm với virus, sự tồn tại của vi-rút trong cơ thể người bệnh chính là viêm gan siêu vi B cấp.
– Viêm gan siêu vi B mạn: Nhiễm virus HBV trong thời gian dài hơn 6 tháng sẽ dẫn đến tình trạng viêm gan siêu vi B mạn tính.
Các đường lây nhiễm của bệnh viêm gan siêu vi B:
– Lây nhiễm theo chiều dọc:
Đường lây nhiễm từ mẹ sang con: Loại lây nhiễm này phổ biến nhất tại các quốc gia châu Á và đặc biệt nguy hiểm đối với phụ nữ mang thai. Quá trình lây nhiễm thường diễn ra trong giai đoạn chu sinh, kéo dài từ tuần thứ 28 của thai kỳ cho đến 7 ngày sau khi sinh.
– Lây nhiễm theo chiều ngang:
Tiếp xúc với máu hoặc các sản phẩm từ máu là phương thức lây lan chính của virus viêm gan B do chúng chứa hàm lượng virus lớn. Bên cạnh đó, quan hệ tình dục và sử dụng chung các vật dụng tiêm chích khi chích thuốc, châm cứu, xăm, xỏ lỗ trên cơ thể như xỏ lỗ tai, lỗ mũi… cũng là nguyên nhân phổ biến gây nhiễm bệnh viêm gan siêu vi B.
Các xét quan trọng trong chần đoán siêu vi gan siêu vi B
– HBsAg: Là kháng nguyên tồn tại trên bề mặt của virus. Xét nghiệm HBsAg được xem là chẩn đoán mang tính quyết định ban đầu giúp kết luận xem bệnh nhân có đang chắc chắn bị nhiễm virus HBV hay không. Nếu kết quả HBsAg dương tính, điều đó chứng tỏ mọi người đã nhiễm virus này. Ngược lại, nếu kết quả âm tính, mọi người sẽ không bị nhiễm.
– Anti-HBS: Hay HBsAb là một loại kháng thể do hệ miễn dịch tạo ra để chống lại kháng nguyên bề mặt virus HBsAg. Kết quả dương tính chứng tỏ một điều rằng bệnh nhân đã có miễn dịch với loại virus này do trước đây từng viêm gan B nhưng đã điều trị khỏi, hoặc người bệnh đã thực hiện tiêm văccine phòng ngừa viêm gan B. Nếu Anti-HBs có nồng độ > 10 mUI/ml thì tức là kháng thể đang hoạt động rất tốt, có khả năng bảo vệ cơ thể trước sự tấn công của HBV.
– HBeAg: HBeAg là một đoạn kháng nguyên cấu tạo trên lớp vỏ của virus. Xét nghiệm HBeAg cho kết quả dương tính chứng tỏ virus đang trong quá trình nhân lên nhanh chóng và có thể lây lan cho người khác. Nếu kết quả xét nghiệm là âm tính thì cần tính đến 2 trường hợp: virus đang ở thể bất hoạt hoặc virus đang bị đột biến.
– Anti-Hbe: Cũng là một loại kháng thể được hệ miễn sản sinh ra khi HBV xâm nhập, có chức năng kháng lại kháng nguyên HBeAg của virus gây bệnh. Khi kết quả của xét nghiệm là dương tính thì tức là bệnh nhân đã có miễn dịch, nếu âm tính nghĩa là cơ thể bệnh nhân chưa hình thành miễn dịch với HBV.
– Anti-HBc: HBcAg là kháng nguyên nằm trong lõi virus, còn Anti-HBc (hay HBcAb) là kháng thể cũng được sản sinh ra bởi hệ miễn dịch của cơ thể để chống lại HBcAg. Anti-HBc thường có mặt từ rất sớm và nó sẽ tồn tại lâu dài trong cơ thể bệnh nhân. Vì vậy khi thực hiện xét nghiệm Anti-HBc sẽ giúp kiểm tra xem người bệnh đã từng nhiễm virus HBV trước đó hay chưa.
–Anti-HBc IgM: Là một dạng kháng thể HBcAb loại IgM, nó chỉ được hình thành ở những đợt bệnh cấp. Xét nghiệm Anti-HBc IgM có tác dụng xác định, chẩn đoán viêm gan B cấp tính hoặc đợt cấp tính của viêm gan B mạn.
– HBV-DNA: Xét nghiệm HBV DNA là một xét nghiệm nhằm xác định số lượng hay nồng độ của virus trong máu của người bệnh nhiễm virus viêm gan B. Do đó đây còn được gọi là xét nghiệm định lượng virus viêm gan B, có vai trò đánh giá mức độ nhân lên của virus trong các tế bào gan.
– Các chỉ số men gan ALT, AST: Cho thấy mức độ tổn thương gan bởi virus.
Kết Luận:
Có thể nói việc xét nghiệm viêm gan B có ý nghĩa rất lớn trong việc chẩn đoán, điều trị bệnh cũng như kiểm tra hiệu quả tiêm phòng, kiểm tra tình trạng lây nhiễm của những người có tiếp xúc với người bệnh. Vì vậy nên xét nghiệm viêm gan B định kỳ 6 tháng hoặc 1 năm/ 1 lần.
Chỉ cần 1 lần lấy máu, chi phí thấp, kết quả nhanh chóng, phát hiện bệnh sớm.